Nỗi buồn người ở lại

Năm phút nữa xe chạy. Cô con gái khoác tay bố tiến chậm tới cửa xe, cảm giác mỗi bước chân lại thêm nặng nề. Bất chợt cô gái nhìn thấy bạn mình chạy lại từ xa, liền buông tay bố để ôm chầm lấy bạn, cười nói vui vẻ. Người bố đứng đằng sau, lôi trong túi ra chiếc điện thoại nhỏ để chụp ảnh con gái. Ông bấm liên tục như để cố gắng lưu giữ mọi khoảnh khắc cuối cùng này, nhưng trong ảnh chỉ nhìn thấy được lưng con mình và khuôn mặt của cô bạn kia. Bác tài khởi động xe, cô con gái đang mải nói chuyện với bạn mới nhớ ra bố mình vẫn đứng đó, liền ôm bố một cái rồi cùng bạn lên xe.

Qua cửa kính đẫm nước mưa, tôi thấy người bố già dõi theo từng bước con đi, cả khi xe đã lăn bánh rồi, ông vẫn đứng đó. Miệng ông mỉm cười, nhưng không rõ tại sao mỗi lần nhớ tới nụ cười đó, lòng tôi lại trùng xuống một chút.

Trong mỗi cuộc chia ly, người khổ nhất, có lẽ là người ở lại. Người đi xa cũng sẽ buồn, nếu là lần đầu tiên thì sẽ sốc văn hoá, nhớ nhà, lạc lõng, nhưng rồi cái gì cũng qua. Người đi xa sẽ sớm tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội mới, và cuộc sống bận rộn sẽ dần xoá nhoà niềm mong quay quắt của những ngày đầu.

Hôm qua tôi với bạn xem Brooklyn, bộ phim được đề cử ba giải Oscars năm vừa rồi, kể về một cô gái Ai-Len di cư đến New York, Mỹ, và những trăn trở của cô về quê hương, gia đình, tình yêu và quyết định đi hay ở. Xem phim mà tôi như được sống lại khoảng thời gian mới chân ướt chân ráo sang đây, có những đêm nhớ nhà, khóc không thành tiếng vì bao áp lực, nỗi sợ không gọi thành tên. Nhưng rồi cái gì cũng quen. Nỗi nhớ không còn day dứt như trước, lịch sinh hoạt và công việc dày đặc khiến những trăn trở về Việt Nam chỉ thỉnh thoảng quặn lên mỗi lần lễ Tết.

Cho đến hôm đi xe buýt từ D.C. về trường và nhìn thấy ông bố đó, tôi chưa bao giờ thử đặt bản thân vào địa vị người ở lại–bố mẹ, ông bà, cô chú, hai bác, họ hàng, và em trai mình. Năm hai này, phần lớn những lần nói chuyện với gia đình là bố mẹ tôi chủ động gọi, hỏi con đã ngủ chưa, có nói chuyện với cả nhà được không. Thỉnh thoảng tôi mới nhắn được cho em trai một câu, thầm trách em tại sao không giữ liên lạc với chị, gọi điện cho chị, mà không tự hỏi bản thân tại sao lại đòi hỏi em khi mình không làm thế trước?

Dòng suy nghĩ lại cuốn tôi lại năm 2013-2014, khi tôi và “bạn thân” yêu xa, chín tháng không được gặp nhau. Anh sang Mỹ trước, trong khi tôi ở nhà, cố gắng vật lộn với lớp 12 và hồ sơ du học. Anh cũng buồn, bảo ở đây chẳng có gì liên quan đến nhà, đến em cả, nhưng tôi nghĩ thật ra thế lại đỡ hơn là người ở lại. Đi đâu, làm gì cũng gợi lại những kỉ niệm đã có với nhau ở đúng chỗ đó, nhưng hai người chia sẻ với nhau, thì nay chỉ còn mình mình ở đây để hoài niệm.

Đặt bản thân vào địa vị bố mẹ, tôi sẽ khó kìm được nước mắt mỗi lần bước vào phòng con gái, đồ đạc vẫn vậy nhưng người thì cách xa cả nửa vòng trái đất rồi

Khó khăn lớn nhất của người ở lại là không biết cuộc sống của người đi xa ra sao. Tôi đi du học, nhưng ít nhất vẫn có thể yên tâm về gia đình vì biết Việt Nam thế nào, Hà Nội trái nắng trở trời ra sao. Còn gia đình khi nghĩ về tôi, giống như tôi hồi xưa ở nhà nhớ đến bạn trai, tất cả có được chỉ là những mẩu vụn thông tin chắp vá từ báo chí, hình ảnh trên Facebook, hay những lần gọi điện và Skype, có nói đến vài tiếng cũng chẳng thể hình dung được hết cuộc sống bên kia thế nào.

Mỗi lần tôi chủ động gọi về, bố mẹ lại trách yêu: “Chị cũng nhớ đến chúng tôi đấy à?” Con có nhớ chứ, nhớ nhiều lắm, nhưng nhiều khi cứ quen coi tình cảm gia đình là điều đương nhiên, có được vô điều kiện, để rồi lại vô tình trở nên vô tâm, xa cách.

IMG_2108

Thường thì ta nhận biết được sự trưởng thành hoặc già đi của mình, nhưng lại quên béng rằng người khác cũng vậy, đặc biệt khi không gặp được nhau thường xuyên. Trong đầu tôi nhiều khi đinh ninh em tôi vẫn là thằng cu cấp một nhỏ xíu, gầy còm, mắt tít, cười ngoác miệng hay chạy sang phòng ôm tôi trước khi đi ngủ, để rồi khi tự nhiên nhìn thấy ảnh em post trên Facebook mới giật mình: Ồ, em mình sắp lên lớp chín rồi, cao hơn mình rồi, nhìn như hot boy rồi, bắt đầu người lớn rồi, khác lắm rồi.

Hôm nay (ngày mai ở Mỹ), là sinh nhật em tuổi 14, năm thứ hai tôi không ở nhà. Gửi quà về thì mấy lần mất hoặc cả tháng mới đến nơi, clip thì năm ngoái làm tặng em mất rồi, thành ra cũng chẳng biết làm thế nào để bày tỏ rằng bà chị này vẫn nhớ đến sinh nhật em. Chị viết những dòng này, nhớ em, bố mẹ và cả nhà vô cùng, ước gì được bay vèo một phát về để dự sinh nhật em.

Một trong những điều chị tiếc nhất khi đi du học là không được chứng kiến em trưởng thành, không được thấy em thay đổi từ một cậu nhóc mít ướt, trẻ con thành một cậu con trai mạnh mẽ, chăm học và yêu thương gia đình, như bố mẹ kể. Chị không được thấy em cao lên mỗi ngày, không được nghe em tâm sự về những mối tình tuổi teen đầu đời, không được chia sẻ bốn năm bước ngoặt này trong cuộc đời em, và cả của chị.

Biết là làm gì thì cũng đều phải đánh đổi cả, nên thôi sau này chị về rồi mình lại tranh tiếp điều khiển TV với nhau vậy. Dù sao bốn năm cũng không là gì nếu so với mười mấy năm trước, và mấy chục năm còn lại em đập cửa phòng chị ầm ầm đòi vào chơi. Chị không được nhìn thấy em trưởng thành, nhưng chị tin em trai của chị sẽ luôn bản lĩnh, quyết tâm, trách nhiệm và nhân hậu, như mẹ kể em chăm sóc mẹ khi mẹ ốm, hay thức đêm để làm bài thuyết trình cho cả nhóm.

Chị tự hào về em cũng như chị tự hào về gia đình mình. Và từ bây giờ thì chị đã học được cách đặt bản thân vào vị trí của người ở lại rồi. Chúc mừng sinh nhật em, và hẹn cả nhà hai tháng nữa con về ạ. 🙂

Comment here! Would love to know your thoughts.